Lãnh đạo Sở Y tế cũng không lý giải được việc “loạn giá thầu” thiết bị y tế

– Dư luận hiện đang dậy sóng khi Kiểm toán nhà nước vừa chỉ ra hàng loạt những biểu hiện lãng phí, thất thoát, loạn giá thầu trang thiết bị y tế, hoá chất khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện lớn tuyến TƯ và một số địa phương. Bà đánh giá thế nào về những con số, sự thật thể hiện qua báo cáo kiểm toán?

– Trên tổng thể, tôi nghĩ giữa đơn vị kiểm toán và người được kiểm toán phải có trao đổi, thống nhất ý kiến chứ qua theo dõi, tôi chưa thấy sự thống nhất quan điểm đưa ra. Có những mặt hàng kiểm toán kết luận có sự chênh lệch quá lớn về giá giữa các bệnh viện, có sản phẩm chênh tới 6-7 lần nhưng về phía đơn vị cũng có giải trình, cho rằng kiểm toán so sánh như vậy chưa thoả đáng.

Nói về khía cạnh chuyên môn của ngành thì rất nhiều vấn đề, không thể đánh đồng để so sánh. Vậy thì cơ quan Kiểm toán cũng nên làm sao để khi có kết luận, đơn vị được kiểm toán tâm phục khẩu phục thì mới nhận thức được phần sai ở chỗ nào, từ đó làm cho tốt chứ nếu kiểm toán cứ kết luận mà đơn vị còn cho rằng không thoả đáng, còn ấm ức thì kết quả cũng chưa trọn vẹn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Thử nhìn các bệnh viện tư nhân xem họ có phải mua máy đắt không, tại sao những chuyện như kiểm toán đề cập chỉ xảy ra ở bệnh viện công. Cứ dính đến tiền nhà nước là có chuyện.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: “Thử nhìn các bệnh viện tư nhân xem họ có phải mua máy đắt không, tại sao những chuyện như kiểm toán đề cập chỉ xảy ra ở bệnh viện công. Cứ dính đến tiền nhà nước là có chuyện”.
– Nhưng những con số rõ ràng cho thấy sự chênh lệch đến phi lý, như bà nói, khiến dư luận nghi ngờ có những “lắt léo” sau đó. Là một người từng phụ trách quản lý về dược trong thời gian dài (bà Phạm Khánh Phong Lan mới chuyển từ cương vị Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM sang làm Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố – PV), bà giải thích thế nào về việc các bệnh viện, cùng sản phẩm lại có mức giá chênh lệch lớn như vậy, dù đã thực hiện đấu thầu như kiểm toán nêu?

– Khi kết quả kiểm toán được đưa ra, nhìn vào những mức giá chênh lệnh như vậy, tôi hiểu, điều đầu tiên dư luận nghĩ sẽ hướng đến nghi ngờ có tiêu cực trong việc này. Về nguyên lý, không oại trừ sự bắt tay trong đấu thầu nên dẫn đến chênh lệch giá như thế. Các câu hỏi đặt ra là có căn cứ nhưng để kết luận thế nào thì phải là cơ quan chức năng chứ tôi không suy diễn gì được, tiêu cực cũng chỉ là một khả năng.

Nhưng với tư cách người đã làm trong ngành, cũng liên quan nhiều đến việc mua sắm từ thuốc tới trang thiết bị y tế, tôi có thể nói, việc này rất phức tạp. Vậy nên nếu không thống nhất quan điểm với nhau thì năm nay kiểm toán cho kết quả như này thì cũng không có gì đảm bảo năm sau tiếp tục kiểm toán mà tình hình khác đi. Chuyện này sẽ tiếp tục lặp lại, khi mà vẫn còn cơ chế đấu thầu mua sắm tại từng bệnh viện như vậy, nguyên nhân có thể là do tiêu cực nhưng cũng có thể do khách quan mà phải đi sâu vào từng việc cụ thể mới nói được, không thể áp đặt.

– Hỏi ý kiến lãnh đạo những bệnh viện lớn bị chỉ tên trong báo cáo kiểm toán, có một lý giải chung được đưa ra là bệnh viện tổ chức đấu thầu theo gói chứ không chỉ từng sản phẩm, vì thế, có thể loại thuốc này họ bị mua giá cao hơn bệnh viện kia nhưng thiết bị khác lại mua được với giá thấp hơn, xét chung thì… huề. Nhưng có thể thấy, những thứ được liệt kê là mua giá thấp hơn thì chỉ dừng ở dây truyền, kim tiêm… còn những loại thuốc, hoá chất giá trị cao, là loại vật tư chủ lực với bệnh viện đó như hoá chất điều trị ung thư chẳng hạn, thì giá cao tới hơn 40 triệu đồng/lọ trong khi bệnh viện khác thì mặt hàng đó giá chỉ bằng ¼. Như vậy là, với bệnh viện, việc chênh lệch giá có thể giải thích hợp lý nhưng phần thiệt sẽ là người bệnh chịu?

– Đúng vậy, cũng vì thế nên người ta có quyền nghi ngờ ở đây có tiêu cực. Ai thì cũng có lý lẽ của mình thì chỉ có thể đối chiếu là việc làm như thế có phạm luật hay không. Nếu phạm luật phải xử lý còn nếu không phạm mà vẫn thấy gợn thì nghĩa là luật chưa ổn, cần xem lại luật.

Luật Đấu thầu cho phép đấu giá theo cả gói thiết bị, thuốc nhưng vậy thì phải xem giá của tổng thể gói thầu đó, nếu không vượt giá kế hoạch đưa ra thì xác định là không phạm luật. Nhưng nếu từ đầu, giá kế hoạch đã đưa ra quá cao thì người ta có tha hồ làm cũng không vi phạm.

Vấn đề kiểm soát cần đặt ra sau các mùa thầu vừa qua là khống chế giá cả gói thầu được vượt và giá của từng sản phẩm cũng phải trong khung thì mới đúng.

– Theo lý giải, các bệnh viện cũng khẳng định không có thiết bị, hoá chất nào họ mua sắm vượt giá trần được quy định nhưng thế thì có hợp lý không khi cùng 1 lọ thuốc bán ra hơn 10 triệu là đúng khung giá mà bán hơn 40 triệu cũng vẫn là dưới trần?

– Vấn đề này phải đặt ra với Bộ Y tế. Nếu giá trần ta xây dựng ban đầu quá thấp thì đấu thầu sẽ thất bại, không mua được hàng nhưng nếu giá xây dựng giá trần quá cao thì cũng lãng phí và tạo điều kiện để thông thầu, nâng giá lên. Theo tôi, việc này Bộ Y tế, cụ thể là Cục Trang thiết bị phải đứng ra làm vai trò quản lý nhà nước của mình, thống kê giá của từng mặt hàng trên thị trường để làm căn cứ cho các bệnh viện quyết định. Phải nói thẳng là lĩnh vực trang thiết bị làm sẽ không quá khó, đơn giản hơn việc xây dựng giá thuốc nhiều. Nhà cung cấp cũng chỉ có 2 loại, hoặc là hàng hiệu của các nhà cung cấp quốc tế, có giá chung hết rồi hoặc là hàng Trung Quốc.

Còn việc tại sao giá chênh lệch đến vậy, tại sao giá trần lại loạn xị như thế thì chính tôi cũng không hiểu và nói thật lẽ ra việc này mình có thể làm được. Các bệnh viện hoàn toàn có thể tham khảo lẫn nhau, nếu không làm được thì có thể qua Bộ Y tế. Rõ ràng, ta tắc trách trong chuyện này và tạo ra kẽ hở cho nhiều vấn đề phát sinh.

Cá nhân tôi thì muốn là đừng thực hiện đấu thầu như thế nữa nhưng nếu bắt buộc phải đấu thì cơ quan nhà nước phải thể hiện vai trò, phải lọc giá làm cơ sở cho các bệnh viện tham khảo, định giá. Việc này, theo tôi, cần luật hoá.

– Đã từng nhiều lần nêu quan điểm, tranh luận tại Quốc hội về vấn đề này, theo bà, điểm căn bản nhất để giải quyết căn cơ chuyện phi lý đã tồn tại lâu nay này như thế nào?

– Vấn đề lớn hơn sau việc này dẫn đến suy nghĩ về hướng để giải quyết dứt điểm tồn tại. Ở đây ta có cơ chế tự chủ cho bệnh viện thì sao không thực hiện khoán kinh phí và chỉ quản lý theo chỉ tiêu, ví dụ trong năm bệnh viện phải phục vụ một mức bệnh nhân cụ thể để tăng cường trách nhiệm của hội đồng mua sắm trong bệnh viện.

Tính căn cơ thì phải nhấn mạnh đến việc tự chủ của bệnh viện vì khi đã tự chủ rồi chẳng lẽ bệnh viện không tự mua được máy móc, thiết bị cho mình? Thử nhìn các bệnh viện tư nhân xem họ có phải mua máy đắt không, tại sao những chuyện như kiểm toán đề cập chỉ xảy ra ở bệnh viện công. Cứ dính đến tiền nhà nước là có chuyện.

– Xin cảm ơn bà!

Tin Liên Quan